DÒNG SỰ KIỆN. * Chống rét* Các bệnh thường gặp* Hiến máu 2018

Bí quyết thanh lọc, thải độc an toàn

suckhoedoisong
02/03/2018 16:44
Trong những ngày Tết, dù chúng ta chú ý việc ăn uống đến đâu nhưng cũng khó có thể từ chối các cuộc vui. Làm thế nào để giảm tải cho gan, thận, tim..., đặc biệt với người bệnh mạn tính, giúp khỏe mạnh vui xuân? Dưới đây là bí quyết ứng phó và xử lý những tình huống cụ thể.

Giải rượu

Trứng ốp la với cải bó xôi

Trứng giàu protein và chứa một loại acid amin tên là cysteine, chất có tác dụng phá vỡ các độc tố từ rượu (acetaldehyde), cho phép chất độc này được loại bỏ thông qua nước tiểu. Còn rau giàu chất xơ như cải bó xôi và cà chua giúp bạn bảo vệ dạ dày và hệ tiêu hóa.

Chuối

Nếu bạn uống quá nhiều rượu vì vui vẻ gia đình, bạn bè, thì việc mất nước cũng gây ra mất khoáng chất, ví dụ như kali sẽ gây mất cân bằng điện giải, tăng huyết áp. Khoáng chất kali này có nhiều trong chuối cũng như nước dừa và khoai tây, do đó bạn sẽ khôi phục chúng một cách dễ dàng với các loại thực phẩm này.

Chạy bộ

Sau những đêm uống rượu, sáng dậy bạn thường cảm thấy mệt mỏi và lười hoạt động. Nhưng hãy nhớ rằng bạn càng vận động sớm thì càng cảm thấy khỏe nhanh hơn. Bắt đầu một cách từ từ, nhớ uống nước trước khi chạy. Chạy đều và lâu, không cần chạy nhanh sẽ giúp nước chạy quanh cơ thể và thải ra ngoài theo đường mồ hôi giúp giải rượu.

Hỗ trợ tiêu hóa, thanh lọc, giải độc

Uống nước

Nước giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa và cũng sẽ giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn một chút sau một bữa ăn quá nhiều, quá no. Tuy nhiên, một điều mà phần lớn mọi người ít chú ý và hay làm sai đó là cần uống nước ít nhất 20 phút sau bữa ăn, để không hòa loãng các enzym tiêu hóa thức ăn.

Rau và trái cây nhiều nước

Dưa chuột, bưởi, cà chua, đào, cần tây, quả việt quất đều chứa nhiều nước. Không những cung cấp nước, các loại rau và trái cây này còn cung cấp các loại vitamin và khoáng chất có thể giúp bạn thoát khỏi tình trạng mệt mỏi sau những bữa ăn nặng nề. Chúng cũng mang lại nguồn chất xơ và hỗ trợ trong quá trình tiêu hóa.

Uống trà bạc hà với gừng, chanh

Tất cả những thành phần trên - bạc hà, gừng, chanh đều rất tốt cho hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Gừng đóng vai trò như một chất kháng khuẩn tự nhiên và sẽ giúp làm dịu mọi cảm giác khó chịu trong dạ dày của bạn. Xắt gừng thành miếng và để vào ấm trà trước khi đun hay trước khi đổ nước sôi. Sau đó rót trà vào cốc và thêm chanh. Chanh cực kỳ hữu ích trong việc giúp bạn thoát khỏi sự khó chịu đầy hơi và thanh lọc cơ thể.

Sinh tố thập cẩm gồm cà chua, lê, lá bạc hà hòa cùng nước chanh

Với những người bị dạ dày, nhạy cảm với gừng và ớt, thì có thể dùng công thức sinh tố này để thải độc. Nước chanh có thể điều chỉnh để không quá chua.

Tất cả những bí quyết này sẽ phát huy tác dụng tối đa nếu dựa trên nền tảng những bữa ăn cân bằng hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những người đang có các bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ, suy thận... thì trong Tết lại càng phải chú ý đến việc giữ chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

Đối với các bệnh mạn tính

Rối loạn mỡ máu

 Những điều cơ bản cần ghi nhớ trong những ngày Tết hay ngày thường đều giống nhau:

Ăn ít mỡ động vật, nên ăn gà bỏ da, không ăn chân giò, móng giò... Ăn cá, hạt hạnh nhân, hạt lanh, quả bơ để bổ sung omega-3 giúp kiểm soát thành phần mỡ máu. Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng động vật: óc, tim, gan, lòng đỏ trứng... Ăn giảm ngọt và ăn vừa phải để giữ cho cân nặng ổn định. Yến mạch và trà xanh giúp giảm hấp thụ cholesterol, giảm cholesterol xấu LDL. Ăn sản phẩm từ đậu nành như sữa đậu nành, đậu phụ, chao giúp kiểm soát bệnh rối loạn mỡ máu. Có thể pha chế các đồ uống sinh tố, smoothie từ các trái cây, rau củ tốt cho người bị rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ: táo, cam, chanh, lê, củ cải đường (củ dền đỏ), gừng, rau chân vịt, dưa chuột.

Rối loạn mỡ máu thường gây ra nguy cơ xơ vữa động mạch, là nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu, đột quỵ. Vì vậy, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học kết hợp với luyện tập thể dục thể thao, thì chúng ta có thể phòng tránh đột quỵ xảy ra.

Tăng huyết áp

Tránh những món ăn mặn, cần ăn nhạt ngay cả trong dịp Tết.

Không ăn quá nhiều đạm, đường; không nên uống cà phê, rượu, trà quá đặc.

Các thực phẩm trong ngày Tết tốt cho người bị tăng huyết áp: cần tây, tỏi, chuối, nước dừa, hạt bí, quả việt quất, cà rốt, củ dền đỏ...

Một món smoothie từ trái cây, rau củ tốt cho người tăng huyết áp gồm các nguyên liệu: sữa chua, kiwi, chuối, dâu tây, hạt lanh. Dùng máy xay và có thể cho thêm ít cải xoong là đã có món sinh tố, smoothie ngon lành và tốt cho sức khỏe.

Dù là ngày Tết, cần duy trì chế độ sinh hoạt điều độ, không ngủ quá nhiều, thức quá khuya và hàng ngày vẫn phải dành thời gian để luyện tập thể dục, thể thao...

Tiểu đường

Trong những ngày lễ Tết như thế này, tiểu đường là một trong những bệnh có nguy cơ biến chứng cao. Vì nhiều người có xu hướng ăn đồ ngọt, bánh kẹo, ăn đồ béo, ăn nhiều quá mức.

Để kiểm soát bệnh tiểu đường trong dịp Tết trước tiên phải uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tiếp đến là thực hiện chế độ ăn lành mạnh kết hợp cùng luyện tập thể dục thể thao ngay cả trong dịp Tết.

Khi nấu ăn, sử dụng các gia vị tốt cho bệnh tiểu đường như gừng, nghệ, tỏi, cà ri, quế, đinh hương. Ổi, mướp đắng, đậu bắp cũng là những loại thực phẩm tốt cho người bị tiểu đường.

Gout (gút)

Cân bằng lượng calo (năng lượng) nạp vào cơ thể để tránh các cơn đau do bệnh gout cũng như tình trạng bệnh tiến triển xấu đi.

Cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả không chua. Vì các thực phẩm giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đạm, làm giảm sự hình thành acid uric. Những rau quả giàu vitamin C, giàu bêta caroten và vitamin E giúp nâng cao khả năng chống viêm cho cơ thể: cà rốt, gấc, cà chua, bí đỏ, rau ngót, đu đủ,... hay các loại rau ngót, cần tây, rau muống, rau cải xoong, cà chua,...

Người bị bệnh gout nên uống nhiều nước (2-3 lít/ngày), nên uống các loại nước khoáng không gas có độ kiềm cao giúp đào thải acid uric và hạn chế kết tinh urat tại ống thận. Người hay bị đau do gout có thể ngâm vùng đau, sưng trong nước lạnh (không dùng đá) 10-15 phút, lặp lại 2-3 lần trong ngày.

Cần dành ra ít nhất khoảng 30 phút đi bộ, vận động nhẹ nhàng cũng đủ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.