DÒNG SỰ KIỆN. * Chống rét* Các bệnh thường gặp* Hiến máu 2018

Cảnh giác với cây có độc tính cao họ thầu dầu

suckhoedoisong
09/03/2018 09:28
Họ thầu dầu (Euphorbiaceae) thường cho các cây có độc tính cao, cần hết sức chú ý để tránh xảy ra các vụ ngộ độc đáng tiếc.

Họ thầu dầu (Euphorbiaceae) thường cho các cây có độc tính cao, cần hết sức chú ý để tránh xảy ra các vụ ngộ độc đáng tiếc. Trên thực tế, trong họ này, có những cây chỉ trồng để làm bóng mát, lấy gỗ. Ví dụ: cây vông đồng vừa làm cảnh vừa làm thuốc; cây ngô đồng lấy lá và hạt làm thuốc; cây thầu dầu làm cảnh, làm dậu; cây xương rồng ông lấy bộ phận rễ để làm thuốc;... Hầu hết chúng đều có độc tính ở những mức độc khác nhau. Do đó cần phải lưu ý trong cuộc sống và lưu ý khi sử dụng làm thuốc trị bệnh.

Cây vông đồng, còn gọi là ba đậu tây, mã đậu, cây dầu bóng, ngô đồng... (Hura crepitans L.). Cây có nguồn gốc từ châu Mỹ, được di thực vào Việt Nam. Hiện được trồng ở Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An... Vông đồng thường được trồng ở trường học, công viên, chợ... Hạt, dầu hạt, vỏ cây, nhựa mủ đều chứa các chất độc: hurin, hurain, crepitin, có tác dụng gây xổ rất mạnh. Nếu ăn phải hạt vông đồng, dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng có thể bị trúng độc dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Cần thường xuyên giáo dục cho mọi người, nhất là trẻ nhỏ về khả năng gây độc của các bộ phận của cây này. Không nhất thiết, cứ cây có tính độc lại chặt bỏ đi mà phải tùy theo lợi ích của từng loài, có cách ứng xử cho phù hợp. Tốt nhất vẫn là phải nâng cao nhận thức của mọi người.

                 Cảnh giác với cây có độc tính cao họ thầu dầu

                                              Cây ngô đồng cảnh.

Cây ngô đồng, còn gọi ngô đồng cảnh, sen núi, dầu lai có củ (Jatropha podagrica  Hook.). Cây có nguồn gốc ở Nam Mỹ, nay trồng hầu hết ở các nước Đông Nam Á. Theo kinh nghiệm dân gian, lá và vỏ thân cây ngô đồng vị ngọt, đắng, tính hàn; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, chỉ thống. Dùng chữa táo bón hoặc gây nôn. Lá chữa ghẻ lở, mụn nhọt. Lưu ý: hạt ngô đồng chứa tới 46% dầu béo; chất japodagrol là một diterpenoid, có độc đối với tế bào. Do đó không nên ăn hạt cây này. Nhiều gia đình có trồng cây ngô đồng làm cảnh cũng nên hết sức quan tâm, nhất là trong nhà có trẻ nhỏ.

Cây thầu dầu, còn gọi là đu đủ tía (Ricinus communis L) mọc hoang ở nhiều nơi: Hà Bắc, Thái Bình... Ở Hà Nội thầu dầu được trồng làm thuốc. Lá non và bánh tẻ dùng nuôi tằm. Còn dùng lá để chữa bị thương, sưng tấy, viêm tuyến vú: lá giã nát, thêm giấm ăn, chưng lên rồi băng dịt vào nơi bị bệnh. Hoặc lá nấu nước tắm rửa khi bị ngứa, ghẻ, lở.

         Cảnh giác với cây có độc tính cao họ thầu dầu

                                    Cây thầu dầu còn gọi là cây đu đủ tía.

Hạt thầu dầu trị sa dạ con: hạt thầu dầu đã bóc vỏ 60g, giã nhỏ, thêm rượu trắng 30 độ vào, quấy đều thành dạng bột nhão. Đem bột này đặt lên huyệt bách hội (ở đỉnh đầu) và huyệt quan nguyên (dưới rốn khoảng 4cm). Dùng vải băng lại, nằm nghiêng, co chân từ 3-5 giờ, mở ra dùng nước lạnh rửa sạch. Chú ý không đắp quá lâu, đề phòng rộp da. Một liệu trình từ 3-5 ngày.

Dầu thầu dầu làm thuốc nhuộm, nguyên liệu bôi trơn các động cơ. Dầu thầu dầu còn được dùng làm thuốc tẩy, trị táo bón.

Lưu ý, hạt thầu dầu, ngoài chất dầu, các enzym, các acid amin... còn có ricin, là một anbumin, rất độc với các động vật có vú. Do đó không được ăn hạt thầu dầu, đặc biệt không để trẻ nhỏ tiếp xúc với loại hạt này.

Cây xương rồng ông (Euphorbia antiquorum L.) được trồng ở nhiều nơi làm hàng rào, làm cảnh. Có thể dùng các đoạn thân, bỏ gai, nướng chín, ngậm trị đau răng; hoặc đắp, bó vào chỗ sưng đau. Lưu ý, nhựa mủ xương rồng cũng rất độc, tránh bắn vào mắt, vào miệng.

Cam toại (Euphorbia kansui Liou) hiện được nhập từ Trung Quốc. Vị thuốc là rễ của cây cam toại (Radix Euphorbia e kansui).  Theo YHCT, cam toại vị đắng, tính hàn, có độc. Quy kinh thận, đại tràng. Có tác dụng tả thủy, trục ẩm. Liều dùng chung từ 0,5 - 1g. Có tác dụng vừa gây tả hạ mạnh vừa gây tiểu tiện nhiều. Thích hợp cho người bị phù thũng, viêm gan, xơ gan cổ trướng...

Cần lưu ý, vị cam toại phản cam thảo, nếu cùng dùng sẽ gây độc tính lớn. Trên lâm sàng, cam toại được sử dụng cho các trường hợp:

Bụng báng, trướng mạn trong bệnh xơ gan cổ trướng: cam toại 3g, khiên ngưu tử 15g. Đem hai vị tán bột mịn, chia 2 lần uống trong ngày, trước bữa ăn. Sau khi uống, người bệnh vừa tiêu chảy vừa tiểu rất nhiều khiến bụng xẹp nhỏ lại.

Toàn thân phù thũng: cam toại 1g, nghiền bột mịn, cho vào trong một quả thận lợn, nướng chín, ngày ăn 1 quả. Ăn liền 4-5 ngày làm một liệu trình.