DÒNG SỰ KIỆN. * Chống rét* Các bệnh thường gặp* Hiến máu 2018

Chuyên đề Người cao tuổi: Dùng thuốc ở người cao tuổi

khoe24h
29/01/2018 15:01
Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm tỉ lệ khoảng 12% dân số, nhưng số lượng thuốc sử dụng cho đối tượng này chiếm khoảng 50% thuốc nói chung. Đáng nói hơn là tỷ lệ tai biến gây ra do thuốc lại thường gặp ở người cao tuổi nhiều hơn so với các lứa tuổi khác dưới 60.

Ở Mỹ, cứ 1 trong 6 người cao tuổi dùng thuốc, thường mắc sai lầm dẫn đến bị phản ứng có hại vong. Các biểu hiện lâm sàng thường gặp ở người cao tuổi do các phản ứng có hại của thuốc (rất dễ tưởng lầm là do bệnh): bất an, té ngã, trầm cảm, lú lẫn, rối loạn nhận thức, táo bón, tiểu tiện không kiểm soát, rối loạn hoạt động tình dục, mất ngủ, …

 

Nguyên nhân tăng tỷ lệ phản ứng có hại của thuốc ở người cao tuổi khi dùng thuốc

• Người cao tuổi thường hay đau ốm, không phải một mà là nhiều bệnh cùng một lúc. Do đó, thường phải dùng nhiều thuốc hơn người trẻ tuổi.

• Người cao tuổi có thể đi khám ở hai bác sĩ trong thời gian rất ngắn và bác sĩ thứ hai không biết bác sĩ trước đã chỉ định dùng những thuốc gì để khuyên ngưng dùng, tránh tương tác với thuốc mới.

• Do mắc nhiều bệnh, không chỉ bệnh cấp tính mà cả bệnh mạn tính, các bệnh này nhiều khi lại đòi hỏi phải sử dụng nhiều loại thuốc có tác dụng mạnh, khoảng cách an toàn trong điều trị hẹp, dễ gây phản ứng có hại của thuốc.

• Người cao tuổi quá lo lắng về sức khoẻ của mình muốn mau hết bệnh, nên thường dùng thêm thuốc ngoài thuốc đã được chỉ định hoặc có người không đau ốm gì vẫn dùng thuốc để “đề phòng”. Thậm chí không tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ hoặc tăng liều thuốc hoặc kéo dài thời gian dùng thuốc, đưa đến bị quá liều gây ngộ độc.

• Ngược lại, có người cao tuổi lại sợ dùng thuốc do nghĩ là thuốc luôn gây hại. Có người tự ý giảm liều, có người giảm số lần dùng thuốc trong ngày (như thay vì uống 3 - 4 lần thì chỉ uống 1 - 2 lần/ ngày), có người ngưng bỏ thuốc giữa chừng. Sự ngưng dùng thuốc sớm có thể đưa đến tai biến do ngưng dùng thuốc. Như đột ngột ngưng dùng thuốc hạ huyết áp có thể làm huyết áp tăng vọt rất nguy hiểm.

• Ở người lớn tuổi do trí tuệ giảm sút, thường hay nhầm lẫn trong sử dụng thuốc, đặc biệt về liều lượng và số lần dùng thuốc. Trong trường hợp này, cần có người thân trẻ tuổi theo dõi sát việc dùng thuốc, không để người cao tuổi tự mình dùng thuốc.

 Các nguyên tắc dùng thuốc ở người cao tuổi

Để dùng thuốc ở người cao tuổi hiệu quả và an toàn, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

• Khi khám bệnh, bác sĩ cần biết người cao tuổi đã sử dụng thuốc gì, có dùng dược thảo, thực phẩm chức năng hay không.

• Thầy thuốc chỉ chỉ định dùng thuốc khi thật cần thiết và sau khi chẩn đoán chính xác.

• Ở người cao tuổi nên bắt đầu bằng liều dùng thấp nhất có hiệu lực và nên kéo dài nhịp dùng thuốc trong ngày thích hợp (như đối với người trẻ tuổi dùng 3 lần/ ngày thì đối với người cao tuổi có thể dùng 2 lần/ ngày).

• Lưu ý các điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ dùng thuốc (chọn dạng thuốc thích hợp là thuốc lỏng nếu có như dung dịch uống), hay thuốc dùng ít lần trong ngày, …

• Hướng dẫn kỹ các chỉ dẫn dùng thuốc một cách rõ ràng, cũng như dành thời gian lắng nghe tâm tư của người cao tuổi.

• Theo dõi sát trong thời gian dài sự đáp ứng đối với tác dụng của thuốc ở người cao tuổi. Không thể suy diễn kinh nghiệm dùng thuốc ở người trẻ tuổi cho người cao tuổi. Ngưng dùng thuốc nếu lợi ích không rõ hoặc bị phản ứng có hại của thuốc.

• Thật thận trọng khi cho dùng thuốc mới.

• Lưu ý các thuốc tránh dùng cho người cao tuổi nói chung và người cao tuổi đang mắc một bệnh lý nào đó.

Lưu ý các thuốc tránh dùng cho người cao tuổi đang mắc phải một bệnh lý

• Không dùng dạng thuốc sủi bọt đối với người bị bệnh tăng huyết áp, suy tim (dạng thuốc sủi bọt luôn chứa natri sẽ làm tăng huyết áp).

• Tránh dùng thuốc chẹn bêta đối với người bị hen suyễn, COPD, đái tháo đường (vì thuốc sẽ che mất triệu chứng tụt đường huyết ở người đang dùng thuốc trị đái tháo đường), bệnh lý mạch máu ngoại biên.

• Tránh dùng thuốc kháng histamin trị dị ứng, thuốc chống co thắt trị đau do co thắt cơ trơn (như đau bụng), thuốc chống trầm cảm đối với người bị phì đại lành tính tuyến tiền liệt hay bị táo bón (vì thuốc làm bí tiểu tiện hoặc táo bón nặng thêm).

• Tránh dùng thuốc glucocorticoid đối với người bị đái tháo đường (vì glucocorticoid làm tăng đường huyết).

PGS. TS Nguyễn Hữu Đức

Theo Tạp chí Sức khỏe - Khoe24h.vn