DÒNG SỰ KIỆN. * Chống rét* Các bệnh thường gặp* Hiến máu 2018

Người lớn có mắc quai bị?

Suckhoedoisong
17/01/2018 15:14
Em năm nay 22 tuổi, từ mấy hôm nay người mệt, đau góc hàm và hôm nay thấy má phải sưng nề nhưng không đỏ. Như vậy có phải em bị quai bị? Cách chữa thế nào?\r\nPhạm Đình Khương (phamkhuong@gmail.com)

Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ). Bệnh có đặc điểm dịch tễ rõ ràng, thường phát vào mùa đông-xuân. Bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi (nếu chưa mắc hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh). Bệnh do virut lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi. Sau khi tiếp xúc với virut quai bị khoảng 14-24 ngày, người bệnh có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt, đôi khi rét, đau họng và đau góc hàm. Sau đó, tuyến mang tai sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi giảm sưng dần trong khoảng 1 tuần. Tuyến mang tai có thể sưng 1 bên hay 2 bên. Vùng sưng thường lan đến má, dưới hàm, đẩy tai lên trên và ra ngoài; có khi lan đến ngực gây phù trước xương ức. Nam giới sau tuổi dậy thì khi bị quai bị cần chú ý đến biến chứng viêm tinh hoàn. Tỉ lệ có biến chứng viêm tinh hoàn có thể từ 20-35%. Tinh hoàn sưng to, đau, mào tinh căng phù như một sợi dây thường. Về điều trị: Vì bệnh do virut nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bị mắc bệnh quai bị, nên cách li 2 tuần kể từ lúc phát hiện bệnh, vệ sinh răng miệng, ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa, giảm đau tại chỗ bằng cách đắp ấm vùng sưng, giảm đau toàn thân và hạ sốt bằng paracetamol. Trường hợp viêm tinh hoàn: Mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Trường hợp của em nên đi khám để xác định chính xác bệnh tránh biến chứng viêm tinh hoàn.

BS. Vũ Hồng Ngọc